Tìm hiểu về bệnh đông cứng khớp vai
Đông cứng khớp vai là một trong các thể lâm sàng của viêm quanh khớp vai. Người bị đông cứng khớp vai có các triệu chứng giới hạn vận động khớp vai như không thể chải đầu, cột tóc, cài áo ngực (đối với phụ nữ),hoặc không thể đưa tay lên cao với lấy đồ vật,.....kèm theo có thể đau, mỏi khi cố gắng thực hiện vận động khớp vai.
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức II đã tiếp nhận hai trường hợp bị đông cứng khớp vai. Các bệnh nhân nhận được sự phối hợp điều trị giữa các chuyên khoa vật lý trị liệu (Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng),chấn thương chỉnh hình (Khoa Ngoại Tổng hợp),gây mê hồi sức (Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức) và đạt được hiệu quả điều trị, cải thiện triệu chứng và phục hồi tốt.
♦ Điểm giống nhau giữa hai trường hợp
Nguyên nhân: Thoái hóa gân do tuổi tác: bệnh thường xảy ra ở người trên 50 tuổi.
Chẩn đoán: Khi chụp Xquang khớp với thuốc cản quang, hình ảnh cho thấy khoang khớp bị thu hẹp (chỉ 5-10ml trong khi bình thường 30-35ml); giảm cản quang khớp, các túi cùng màng hoạt dịch biến mất.
Điều trị: giống nhau trong giai đoạn sớm
Thuốc uống: thuốc giảm đau (acetaminophen),thuốc kháng viêm NSAID (diclofenac, piroxicam, meloxicam, celecoxib)
Thuốc tiêm corticoid tại chỗ vào bao gân, bao thanh dịch
Tập phục hồi chức năng khớp vai: tập phục hồi tầm vận động khớp
♦ Điểm khác nhau giữa hai trường hợp:
• Trường hợp 1: Đông đặc khớp vai do nguyên nhân sinh hoạt
Nghề nghiệp lao động nặng có các chấn thương cơ học lặp đi lặp lại, gây tổn thương các gân cơ quanh khớp vai như gân cơ trên gai, cơ nhị đầu cánh tay
Tập thể thao quá sức, chơi một số môn thể thao đòi hỏi phải nhấc tay lên quá vai như cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền.
Chấn thương vùng vai do ngã,trượt, tai nạn ô tô, xe máy
Đông cứng khớp vai ở bệnh nhân do viêm dính khớp thông thường (không do biến chứng của bệnh lý khác)
Điều trị: đáp ứng tốt với vật lý trị liệu. Kết quả sau 1 tháng điều trị, tầm vận động khớp được mở 90%
• Trường hợp 2: Đông đặc khớp vai do biến chứng viêm cột sống dính khớp
Biến chứng sau bệnh lý viêm cột sống dính khớp
Điều trị: sau 1 tháng điều trị thông thường (kết hợp thuốc và tập vật lý trị liệu) tầm vận động khớp mở được 30%.
Tháng thứ 2 tầm vận động khớp tiến triển chậm.
Điều trị kết hợp: Ngoại khoa + Tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng: tại phòng mổ bằng phương pháp gây tê đám rối thần kinh cánh tay với lidocain, marcain. Bác sĩ phẫu thuật sẽ nắn bẻ khớp vai của bệnh nhân theo các hướng dạng/ khép, đưa ra trước/ ra sau, xoay trong/ xoay ngoài, áp chéo. Kỹ thuật tập cưỡng bức để làm giãn bao khớp từ đó tăng độ vận động của khớp vai. Sau vận động bệnh nhân được điều trị giảm đau, chống viêm và tập vật lý trị liệu. Bằng cách này người bệnh sẽ không cảm thấy đau khi tập, và việc giải phòng bao khớp được thực hiện dễ dàng hơn.