Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA

Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA

Ô nhiễm không khí được đánh giá là hiểm họa môi trường lớn nhất đối với với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia về môi trường không khí năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những năm gần đây vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam có những diễn biến phức tạp, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam đặc biệt là tại các thành phố lớn có xu hướng gia tăng cùng tốc độ phát triển kinh tế xã hội và gia tăng dân số.

 

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ

 

  1. TỔNG QUAN VỀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ

  1. Ô nhiễm môi trường không khí là gì? 

Ô nhiễm môi trường không khí là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không khí không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.

  1. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe chúng ta như thế nào? 

Thường xuyên tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm đe dọa sức khỏe con người khi các chất ô nhiễm, đặc biệt là các hạt bụi mịn PM2.5 (có kích thước chỉ bằng 1/30 đường kính sợ tóc) có thể xâm nhập sâu vào hệ hô hấp, vào phổi và máu… làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường viêm hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư; tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí cũng có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch.

  1. Làm sao để biết không khí bị ô nhiễm?

Chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người được đánh giá bằng chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI). 

Chỉ số AQI được tính theo thang điểm (06 khoảng giá trị AQI) tương ứng với biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người, cụ thể như sau:

Khoảng giá trị AQI

Chất lượng không khí

Màu sắc

Ảnh hưởng tới sức khỏe con người

0 – 50

Tốt

Xanh

Chất lượng không khí tốt, không ảnh hưởng tới sức khỏe

51 – 100

Trung bình

Vàng

Chất lượng không khí ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên đối với những người nhạy cảm (người cao tuổi, trẻ em, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch…) có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe.

101 – 150

Kém

Da cam

Những người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng.

151 – 200

Xấu

Đỏ

Những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

201 – 300

Rất xấu

Tím

Cảnh báo hưởng tới sức khỏe: mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.

301 – 500

Nguy hại

Nâu

Cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe: Toàn bộ dân số bị ảnh hưởng tới sức khỏe tới mức nghiêm trọng.

Thông tin về chất lượng không khí của các tỉnh, thành phố thường xuyên được cập nhật trên Cổng thông tin quan trắc môi trường của Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường (https://cem.gov.vn) và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố (tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bản tin chất lượng môi trường không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh https://shorturl.at/VmsIX).

Hình minh họa thông tin chất lượng môi trường không khí tại điểm quan trắc ngã ba Lê Hữu Kiều và Trương Văn Bang, Phường Bình Trưng Tây, thành phố Thủ Đức (9:00 ngày 13/10/2024)

Như vậy, để nhận biết chất lượng không khí, cách tiện lợi và chính xác nhất là theo dõi thông tin từ các cơ quan chức năng như nêu trên (Cổng thông tin quan trắc môi trường của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bản tin chất lượng môi trường không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM…). Ngoài ra, chúng ta cũng có thể sử dụng thiết bị đo chất lượng không khí cá nhân, quan sát bằng mắt thường (khói mù, màu trời bị biến đổi không trong…),sử dụng khứu giác (có mùi khó chịu, cay mũi….)

  1. HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

  1. Các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh

Các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí chính tại thành phố Hồ Chí Minh bao gồm: (1) Hoạt động giao thông vận tải; (2) Hoạt động xây dựng và vận chuyển vật liệu, chất thải xây dựng; (3) Hoạt động sản xuất công nghiệp; (4) Hoạt động nông nghiệp, dân sinh (đốt sinh khối, đốt rác không kiểm soát…). Trong đó,  giao thông đường bộ được xác định là nguồn gây ô nhiễm không khí chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là đối với bụi mịn PM2.5.

Ngoài mức độ phát thải từ các nguồn trên địa bàn thành phố, chất lượng không khí xung quanh phụ thuộc rất lớn vào nhiều yếu tố khác. Các điều kiện tự nhiên, địa hình, bức xạ mặt trời và các yếu tố khí tượng (nhiệt độ, hướng gió, tốc độ gió, độ ẩm, lượng mưa)… có liên quan mật thiết tới sự hình thành, các biến đổi hóa học, tích tụ và đặc biệt là khả năng phân tán/ khuếch tán bụi và các chất ô nhiễm trong không khí và do đó ảnh hưởng rất lớn đến mức độ ô nhiễm trong không khí gần mặt đất, đến chất lượng môi trường không khí của Thành phố.

Ngoài ra, chất lượng môi trường không khí Thành phố chịu ảnh hưởng từ các chất ô nhiễm liên tỉnh, liên vùng từ các địa phương lân cận và ô nhiễm xuyên biên giới từ các nước trong khu vực.

  1. Chất lượng môi trường không khí Thành phố Hồ Chí Minh

Kết quả quan trắc qua nhiều năm của Sở Tài nguyên và Môi trường và các nghiên cứu liên quan đều ghi nhận ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu liên quan đến bụi. Một số thời điểm nồng độ bụi tổng và bụi mịn (PM10, PM2,5) tại các vị trí giao thông vượt ngưỡng cho phép, các thông số ô nhiễm khác (CO, SO2, NO2, benzen..) đều trong ngưỡng cho phép. 

Kết quả quan trắc cũng cho thấy chất lượng không khí có sự biến đổi theo thời gian trong ngày và có xu hướng biến đổi theo mùa trong năm (liên quan đến mật độ giao thông và các yếu tố khí tượng). Mức độ ô nhiễm vào mùa khô cao hơn mùa mưa, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí có xu hướng đạt mức cao nhất trong khoảng thời gian cuối và đầu năm.

Kết quả quan trắc định kỳ chất lượng môi trường không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh được thông tin thông qua các Bản tin chất lượng môi trường đăng tải tại trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh: https://shorturl.at/VmsIX

III. CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯƠNG MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ô nhiễm không khí được đánh giá là vấn đề môi trường có ảnh hưởng quan trọng nhất đến sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy, công tác kiểm soát ô nhiễm không khí đã được Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố quan tâm, chỉ đạo các Sở ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức tập trung triển khai thực hiện gắn thực hiện với thực hiện Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường qua các giai đoạn và Kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm của Thành phố với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể. 

- Chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020: (i) Giảm 70% lượng phát thải ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động giai thông vận thải; (ii) 90% nguồn khí thải công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

- Chỉ tiêu giai đoạn 2020-2030: (i) Giảm 90% ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động giai thông vận tải; (ii) 100% cơ sở sản xuất có xử lý khí thải đạt quy chuẩn môi trường.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực tham mưu, phối hợp, đôn đốc các Sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận huyện thành phố Thủ Đức và đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Chương trình; Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm chủ trì tham mưu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm hoàn thành chỉ tiêu giảm ô nhiễm không khí do giao thông.

Đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025, nhằm nâng cao nhận thức, sự tham gia của các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thành phố cải thiện chất lượng môi trường không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa qua Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 1558/KH-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2024 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2024 – 2025. Kế hoạch xác định 05 mục tiêu giảm phát thải bụi, khí thải cụ thể đối với mỗi ngành, lĩnh vực,  bao gồm các lĩnh vực phát thải chính: giao thông, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dân sinh và đặt trọng tâm giám sát, cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường không khí xung quanh đặc biệt đối với ô nhiễm bụi PM10 và PM2.5. Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, Ủy ban nhân dân Thành phố đã phân công cụ thể đối với từng Sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức thực hiện 07 nhóm giải pháp chung của Thành phố để giảm thiểu ô nhiễm không khí bao gồm: 

(1) Phòng ngừa, giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm không khí đối với từng ngành, lĩnh vực; 

(2) Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí;

(3) Nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường không khí;

(4) Bồi dưỡng nguồn nhân lực về quản lý chất lượng môi trường không khí; tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế phát sinh khí thải, bảo vệ môi trường không khí, bảo vệ sức khỏe trong điều kiện không khí bị ô nhiễm;

(5) Phát triển công viên và cây xanh công cộng, tăng cường mảng xanh tại các khu dân cư, cơ quan, trường học, hộ gia đình trên địa bàn Thành phố;

(6) Ưu tiên nguồn lực tài chính, đa dạng hóa nguồn lực cho hoạt động quản lý chất lượng môi trường không khí;

(7) Hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực, công nghệ về quản lý chất lượng môi trường không khí.

Đối với công tác quan trắc, giám sát chất lượng không khí và kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các Sở ban ngành và đơn vị liên quan triển khai các giải pháp cụ thể:

- Thường xuyên quan trắc nhằm theo dõi, giám sát chất lượng môi trường không khí phục vụ công tác quản lý và thông tin về chất lượng môi trường không khí đến cộng đồng. Bên cạnh duy trì thường xuyên công tác quan trắc chất lượng môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu mở rộng mạng lưới quan trắc các thành phần môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm thống nhất, đồng bộ và từng bước hiện đại nhằm phục vụ có hiệu quả cho công tác cảnh báo ô nhiễm môi trường. 

- Ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn gắn với công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường theo quy định và công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo khí thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Đối với những cơ sở sản xuất công nghiệp có lưu lượng khí thải lớn, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các cơ sở phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục và thực hiện việc kết nối, truyền dữ liệu quan trắc tự động về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát theo quy định.

Đối với giảm phát thải ô nhiễm không khí do giao thông, trong thời gian qua Sở Giao thông Vận tải đã chủ trì triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Phát triển hệ thống giao thông công cộng, phi cơ giới; Quản lý, điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường;  Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới... Đồng thời, ngày 05 tháng 7 năm 2024, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố đã thống nhất chủ trương giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối họp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó giai đoạn 1 tập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng (gồm: xe buýt công cộng, xe taxi, xe mô tô công nghệ và xe phi cơ giới) sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Duy trì thường xuyên công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý môi trường không khí; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về ô nhiễm không khí. Bên cạnh các giải pháp về quản lý, Thành phố triển khai thường xuyên các chương trình giáo dục và truyền thông về ô nhiễm không khí, xây dựng bộ tài liệu hỗ trợ truyền thông cho các địa phương, cơ quan, đơn vị; bồi dưỡng nguồn nhân lực của các các Sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức thông qua các hội thảo, hội nghị, các lớp tập huấn về ô nhiễm không khí và quản lý chất lượng môi trường không khí; Định kỳ tổ chức các lớp tập huấn báo cáo viên, tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; phối hợp nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng, trong đó đẩy mạnh trồng và bảo vệ cây xanh, phát triển mảng xanh tại cơ quan, trường học, khu dân cư. 

Thực hiện quy hoạch đô thị bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn, chú trọng quy hoạch cây xanh, mặt nước trong đô thị; phát triển công viên và cây xanh công cộng, tăng cường mảng xanh khu dân cư, công sở, trường học, hộ gia đình…Theo Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố đặt mục tiêu tăng thêm tối thiểu 150 ha đất công viên và 10 ha mảng xanh công cộng, tương đương trồng mới 10 triệu cây xanh các loại; phấn đấu đến năm 2030, đất công viên cây xanh đạt 1m²/người, tăng 450 ha so với năm 2020; chỉ tiêu cây xanh đến hết năm 2025 là 0,65 m2/người (năm 2021 là 0,55 m2/người). Hàng năm Thành phố triển khai thực hiện công trình “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, phát động trồng cây toàn thành phố; phát động phong trào hộ gia đình, cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, khu dân cư thực hiện công trình phát triển mảng xanh.. 

Tăng cường công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí: Từ năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện hình thức công bố qua trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường dưới dạng bản tin chất lượng môi trường không khí để người dân Thành phố có thể theo dõi. Bên cạnh đó, Thành phố cũng tổ chức các kênh thông tin tiếp nhận phản ánh của người dân về các vấn đề môi trường, trong đó có tiếp nhận các phản ánh về các hành vi vi phạm liên quan đến chất lượng môi trường không khí.

Bên cạnh đó, Thành phố đồng bộ triển khai các giải pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính gắn với thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn TP.HCM, Chương trình phát triển thành phố thải các-bon thấp... cũng đồng thời góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi xanh, giảm phát thải ô nhiễm không khí.

Các tin khác

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Đối tác

Bệnh Viện Ung Bướu Thành Phố HCM
Bệnh Viện Nhi Đồng 2
Công Ty Hồng Đăng
Công ty bảo hiểm Bảo Việt
CÔNG TY PHILIPS
Công ty bảo hiểm BIDV
Trường Cao Đẳng Y Dược Hồng Đức
Ngân Hàng Vietinbank
Ngân Hàng Vietcombank
Ngân Hàng MBbank
Lưu ý:
  • Lịch hẹn chỉ có hiệu lực khi Quý khách được xác nhận chính thức từ Bệnh viện thông qua điện thoại hoặc email.
  • Quý khách sử dụng dịch vụ đặt hẹn trực tuyến, vui lòng đặt hẹn ít nhất 24h trước khi đến khám.
  • Quý khách vui lòng cung cấp thông tin chính xác để được hỗ trợ nhanh nhất.
  • Trường hợp khẩn cấp hay có triệu chứng nguy hiểm, vui lòng liên hệ trực tiếp cơ sở y tế để kịp thời xử lý.
Đặt lịch khám
Vui lòng nhập mã bảo mật:
238735